Mình nên thay đổi, khi mình muốn thế
Bạn sẽ là một con cá bơi ra đại dương, hay là một con cá học trèo cây?
I. Sếp
Hôm đó là tuần làm việc cuối cùng của mình ở công ty.
Mình xin gặp riêng sếp để trao đổi và xin đánh giá về thời gian làm việc đã qua. Mình muốn biết bản thân có thể cải thiện điều gì để khi chuyển sang chỗ làm mới, mình có thể phát triển và hoàn thiện bản thân hơn.
Sếp là một trong những vị sếp tuyệt vời và tâm lý nhất mình từng được làm việc. Nên thời điểm ấy nghỉ việc, mình thấy tiếc lắm vì không còn được học hỏi dưới một người lãnh đạo vừa có tâm, vừa có tầm như sếp nữa.
Sếp chia sẻ cho mình mấy điều cần cải thiện.
Vừa tranh thủ note thật nhanh vào điện thoại, mình vừa cảm thấy xúc động về những lời sếp khuyên:
"Em cảm ơn anh đã góp ý cho em, em sẽ thay đổi để hoàn thiện bản thân hơn ạ"
Bỗng, sếp mình hỏi:
- Em có thấy mình cần thay đổi những điều này không?
- Dạ?
- Anh hỏi là em có muốn thay đổi bản thân như anh góp ý không?
Mình im lặng, không biết phải trả lời thế nào. Mình nhìn lại những gì vừa mới note:
- Quyết liệt hơn
- Dám thể hiện bản thân nhiều hơn
- Ngoại hình cần chững chạc hơn
....
Nói thế nào nhỉ, mình nghĩ mình cần phải thay đổi, vì đây là sếp của mình, một người mình luôn ngưỡng mộ và kính trọng. Nên những lời sếp góp ý rất quan trọng đối với mình. Nếu thay đổi theo những gì sếp nói, mình nhất định sẽ hoàn thiện bản thân và trở nên trưởng thành hơn.
Thế nhưng... quả thật ở đâu đó bên trong mình có chút khựng lại. Đúng là có những điều mình không muốn thay đổi thật, vì nó vốn thuộc về con người mình, thuộc về tính cách hướng nội của mình. Và tất nhiên đó cũng không phải điều gì quá tệ cần phải sửa.
Trong khi mình vẫn lăn tăn chưa biết nói gì, sếp tiếp lời:
"Anh nghĩ em không cần phải thay đổi bất cứ điều gì anh vừa bảo cả"
Mình mở to mắt ra nhìn Sếp.
"Nếu tự bản thân em cảm thấy mình không cần hay không muốn thay đổi, thì đừng làm thế. Dù người góp ý với em là anh hay là bất cứ ai, nếu em không cảm thấy mình phải thay đổi để trở nên tốt hơn, thì em thay đổi để làm gì? Mình cứ là mình trước đã, em sẽ là người hiểu rõ bản thân mình cần gì nhất."
Mình rất bất ngờ với lời khuyên cuối cùng ấy của sếp.
Thế rốt cuộc, mình có nên thay đổi theo lời sếp để trở nên tốt hơn hay không?
Bẵng đi một thời gian sau đó, mình nhận ra cuối cùng mình chẳng hề thay đổi điều gì trong số những điều sếp góp ý cả. Bởi vì sếp đã đúng, từ tận sâu bên trong, mình không muốn thay đổi chúng.
Nhưng điều đó không có nghĩa là mình chẳng hề khác đi chút nào. Mình vẫn là mình, nhưng là một phiên bản khác, do mình tạo ra.
Vẻ ngoài của mình không chững chạc hơn, ngược lại là đằng khác. Bởi vì mình làm freelancer, nên mỗi ngày mở mắt ra, mình mặc áo phông, quần đùi, thậm chí ngồi cho 1 chân lên ghế để check email công công việc.
Mình có trở nên quyết liệt hơn, nhưng không phải vì ghi nhớ lời của sếp, mà vì mình tìm ra được con đường muốn đi, nên mình quyết liệt hơn với những thứ mình làm. Chắc hồi còn ở công ty, sếp thấy mình chưa quyết liệt đủ, có thể vì công việc ngày ấy không phải những gì mình khao khát và mong muốn.
Những thay đổi ở trên, không phải vì mình nghe lời sếp góp ý, mà vì chúng rất vừa vặn, phù hợp với tính cách và trường hợp của mình. Mình đã thay đổi vì thấy nó cần thiết, là những điều mình thực sự cần và muốn thay đổi.
Lúc đó mình mới nhận ra, đúng thật, chúng ta nên thay đổi khi bản thân cảm thấy cần phải thay đổi, chứ không phải vì ai đó khuyên bảo "Bạn nên thay đổi đi để trở nên tốt đẹp hơn"
Bởi vì, chỉ có bạn mới biết rõ những điều mình muốn, hiểu rõ nhất hoàn cảnh và câu chuyện của chính mình.
II. Con cá
Chắc mọi người cũng chẳng còn xa lạ gì với những trường hợp hào hứng thay đổi theo lời khuyên của những chuyên gia trên MXH, nghe theo lời khuyên của anh em bạn bè, nhưng mọi thứ chỉ diễn ra được ngày 1, ngày 2 rồi lại thôi.
Bản thân mình cũng từng như thế.
Vì những trường hợp ấy, chúng ta không có động lực ở bên trong, chúng ta không (hoàn toàn) muốn thay đổi vì nhu cầu của chính mình. Mà những người nói với chúng ta là nên thay đổi, những người đưa ra lời khuyên, cũng đâu thể ở đó kè kè 24/7 nhắc nhở mình thay đổi mãi?
Tất nhiên mình cũng không phủ nhận trong 1 số trường hợp, người ở bên ngoài có thể cho mình nhiều lời khuyên rất hữu ích. Bởi vì họ đứng ở vị trí khách quan, họ quan sát được toàn cảnh vấn đề và không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc cá nhân như người trong cuộc.
Nhất là với những trường hợp chúng ta đang không biết mình muốn gì, không biết nên làm gì với cuộc đời của mình, thì việc nghe theo lời khuyên của người khác để thay đổi cũng là một sự lựa chọn khá tốt.
Nhưng mình tự hỏi, nếu cứ mãi chạy theo lời khuyên của người khác, khi nào mình mới tự quyết đời mình?
Rằng mình muốn trở thành người như thế nào, đi con đường nào, có tính cách và lối sống ra sao? Hay mình sẽ mãi đẽo cày giữa đường, ai bảo thay đổi gì thì thay đổi như thế? Để cho người khác định hình cuộc đời hộ mình?
Và khi đó, điều gì sẽ xảy ra?
Bạn nhớ con cá mình vẽ phía trên chứ? Đích đến cuối cùng của nó, thay vì bơi ra đại dương rộng lớn bởi vì cá giỏi bơi lội, nó lại đi học trèo cây vì nó được nghe lời khuyên của những chuyên gia trong vương quốc loài khỉ, một loài rất giỏi leo trèo leo cây cối.
Mình tin là chẳng ai muốn thay đổi trở thành một con cá học trèo cây cả.
Vậy nên, khi một ai đó đưa ra lời khuyên cho bạn, việc đầu tiên bạn cần làm không phải là gật gù tán thành lời khuyên đó ngay lập tức, mà hãy tự hỏi bản thân xem, mình có muốn thay đổi theo những góp ý này không?
Những lời khuyên ấy có phù hợp với sở thích, mong muốn, nhu cầu hay hoàn cảnh của bạn không?
III. Tự chủ
Nghĩ lại, ngày đó nếu mình nghe theo lời sếp, có thể mình sẽ trở thành một người chuyên nghiệp hơn, trông chững chạc hơn thật. Bởi vì những lời sếp khuyên luôn rất uy tín với mình.
Và cũng rất có thể, những gì mình tự quyết định thay đổi cho bản thân, là những chọn lựa sai lầm.
Nhưng nếu nghe theo lời khuyên của sếp, chắc chắn mình sẽ không thể thấy hài lòng và tự hào như bây giờ được.
Bởi vì ngoài việc thay đổi vì bản thân ra, mình còn được học một bài học khác lớn hơn thế gấp nhiều lần.
Mình có toàn quyền kiểm soát và tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình.
Ngày trước mỗi khi nghe theo góp ý của ai, mình thường băn khoăn rằng thay đổi thế này đã đúng với ý của họ chưa? Mình có đang tốt lên thật không?
Mình thường mất nhiều thời gian loay hoay, tìm kiếm lời khuyên tốt nhất từ những người giỏi nhất. Cứ khi nào cảm thấy cuộc sống bấp bênh, hoang mang, mình lại chạy đi hỏi lời khuyên của mọi người xung quanh một cách vô thức.
Đôi khi, dù thay đổi theo góp ý của mọi người rồi, mình vẫn không biết mình đang làm gì với cuộc sống của mình nữa.
Còn bây giờ, khi mọi thay đổi đều từ mình và do mình muốn, nếu nó tốt đẹp hơn, mình sẽ tự hào về bản thân. Nhưng nếu nó tiêu cực đi chẳng hạn, mình cũng không có lý do gì để đổ lỗi cho ai nữa, mình rút kinh nghiệm để hiểu về mình hơn.
Vấn đề không phải là sự thay đổi đó có hiệu quả như thế nào, mà dù nó có trở nên tiêu cực hơn hay tệ đi, mình cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm với mọi sự thay đổi đó
Và mình nhận ra đây mới là sự thay đổi quý giá nhất mình có được từ câu chuyện năm ấy.
Mình đã dũng cảm hơn, đã dám tự chịu trách nhiệm, đã cho mình toàn quyền kiểm soát cuộc đời của mình.
Mình không còn cảm thấy hoài nghi rằng bản thân chưa đủ tốt mỗi khi ai đó bảo phải thay đổi đi trở nên tốt hơn.
Mình không còn phải ngụp lặn, bơi trong hàng nghìn lời khuyên ngoài kia, và chẳng có lời khuyên nào trong số đó thực sự hiểu về con người và cuộc sống của mình.
Mình cũng chẳng còn phải lo lắng đi tìm kiếm lời khuyên từ ai đó để cảm thấy yên tâm hơn nữa.
Kết
Vậy nên túm lại là, chúng mình luôn cần phải thay đổi để trở nên tốt hơn, nhưng hãy thay đổi vì bạn cảm thấy mình cần phải làm thế, không phải vì ai đó bảo bạn phải như thế.
Bạn cần phải hiểu rõ mong muốn và nhu cầu của bản thân
Nếu chưa sẵn sàng để thay đổi, đừng vội chạy theo lời khuyên của người khác.
Nếu cảm thấy muốn thay đổi và có nhu cầu phải thay đổi để trở nên tốt hơn, hãy nghiêm túc sàng lọc mọi lời khuyên qua lăng kính của bản thân bạn
Ai cũng muốn thay đổi để trở nên tốt hơn, nhưng chắc chắn không ai muốn “đẽo cày giữa đường” cả.
Hãy thay đổi, vì chính mình nhé. Chỉ có như vậy, bạn mới có toàn quyền kiểm soát và chịu trách nhiệm với cuộc đời của bản thân được.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Mỗi lần đọc bài của chị Hương em cảm thấy như đang được tâm sự với chính mình ❤️🩹
Bài này nhắc em nhớ về extrinsic motivation (động lực bên ngoài) và intrinsic motivation (động lực bên trong) (xin phép chị 5s ôn bài HCH ạ hehe). Em nghĩ là nhiều người trong chúng ta sẽ có xu hướng nhen nhóm thay đổi khi động lực bên ngoài tới dồn dập (Vd: thử thách tập gym nhận tiền thưởng, đổi style ăn mặc để cua được crush,…), nhưng để ở lại thật sự với những thay đổi và tạo dựng những thay đổi bền vững, “là mình”, hợp nhu cầu của mình thôi thì sẽ cần quay về nuôi dưỡng động lực bên trong (mong muốn tốt lên và những thay đổi xuất phát từ niềm yêu thích tự thân) 🤍
Cảm ơn chị vì một bài gentle reminder rất thấm ạ!
biết ơn chị Hương nhiều vì câu chuyện rất rất relate với em luôn, mình có quyền lựa chọn thay đổi hay ko, và qua lăng kính của mình, mình biết thay đổi thế nào là hợp nhất với mình, chưa kể mình cũng có một nhịp độ riêng, khi chính mình tự quyết định mình có nhiều chủ động để lên kế hoạch để thay đổi một cách thoải mái, chứ ko phải gồng mình.